Sâu bệnh hại cà chua


Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà chua rất quan trọng để tạo ra sản phẩm an toàn và đảm bảo năng suất. Cùng AgriDrone Việt Nam tìm hiểu các loại sâu bệnh hại cà chua thường gặp và cách phòng trừ.

Các loại sâu hại cà chua thường gặp

Sâu đục trái cà chua (Heliothis armigera)

Sâu đục trái cà chua là một trong những loại sâu hại cà chua thường gặp, sâu trưởng thành hoạt động vào ban đêm, sức bay khoẻ và xa, đẻ trứng rải rác từng quả trên mặt lá và nụ hoa. Sâu non cắn phá các búp non, nụ hoa và đục vào trái, vết đục gọn, không nham nhở. Các lá và chùm hoa bị sâu non ăn có thể bị gãy làm giảm số lượng trái sau này. Sâu non xâm nhập vào thường dễ bị thối, giảm giá trị sản phẩm khi thu hái.

Ruồi hại lá cà chua (Liriomyza spp.)

Ruồi trưởng thành cái dùng gai đẻ trứng vào dưới biểu bì của lá và chích hút nhựa cây tạo thành những vết sần sùi trên lá. Sâu non tấn công lá cà chua tạo những đường đục ngoằn ngoèo, màu trắng xuất hiện do dòi tạo nên, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập. Nếu cà chua bị hại nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp, làm giảm năng suất cây trồng.

Bọ phấn trên cây cà chua (Bemisia tabaci)

Bọ phấn cũng là một trong những loại sâu hại cà chua hay gặp. Con trưởng thành hoạt động vào sáng sớm và chiều mát. Bọ phấn hút nhựa cây làm cho cây cà chua có thể bị héo, ngã vàng và chết. Bọ phấn tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển.

Bọ cưa trên cây cà chua: (Cyrtopeltis spp.)

Bọ cưa phát triển nhanh trong điều kiện thời tiết khô. Bọ chưa non bám trên toàn bộ cây và chích hút nhựa làm cho lá cây còi cọc và dần chuyển sang màu vàng, đặc biệt là lá non. Con trưởng thành tiện quanh thân cây tạo thành một vòng tròn màu nâu, khi gặp gió sẽ làm thân cây gãy ngang ngay tại vết tiện, chúng là trung gian truyền bệnh virus cho cây.

Các loại sâu hại khác: Sâu xám hại cà chua, Sâu khoang trên lá cà chua, Bọ trĩ trên cà chua, Bọ cưa trên cây cà chua…

Các loại bệnh hại thường gặp trên cây cà chua

Bệnh chết cây con trong vườn ươm

Bệnh do nấm Pythium sp., Phytophthora pesrasitica và Rhizoctonia solani, xuất hiện chủ yếu quanh khu vườn trồng cây con, phần thân dưới thối khô có màu nâu sẫm đến đen. Chúng gây thối phần ngoài của thân và các cây bị nhiễm có thể bị đổ hoặc hơi thẳng nhưng lá bị rũ, xám bóng và có màu xanh lục. Những cây bị nhiễm sẽ còi cọc và chết.

Bệnh mốc sương trên cây cà chua:

Bệnh do nấm Phytophthora infestans gây ra, bệnh gây hại trên các bộ phận lá, thân, rễ, hoa, trái. Bệnh mốc sương phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm, mát, nhiệt độ 18-22C.

Bệnh héo rũ trên cây cà chua

Đây là một trong những loại bệnh hại thường gặp trên cây cà chua. Có 3 loại hình héo rũ trên cây họ cà do 3 loại nấm khác nhau gây ra; Héo rũ chết vàng; Héo rũ lở cổ rễ; Héo rũ trắng gốc. Các loại bệnh này là loại bệnh nguy hiểm gây thiệt hại đáng kể cho người sản xuất.

Các bệnh hại khác: Bệnh héo xanh vi khuẩn, Đốm lá vi khuẩn, Bệnh đốm vòng, Bệnh xoăn lá,

Phòng trừ sâu bệnh hại cà chua như thế nào?

Để phòng trừ sâu bệnh hại cà chua hiệu quả, bà con cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

  • Chọn các giống có khả năng chống chịu sâu bệnh.

  • Luân canh cà chua với các cây trồng nước (lúa nước, rau cần, cải xoong, rau muống…) hoặc các cây trồng cạn khác cây họ cà (cà bát, cà pháo, ớt, khoai tây, thuốc lá).

  • Chọn đất (cát pha, thịt nhẹ) tơi xốp, giàu mùn, thoáng khí, tiêu thoát nước nhanh khi có mưa úng.

  • Nên phơi ải đất trước khi làm nhỏ lên luống, kết hợp xử lý đất bằng vôi bột. Lên luống cao phẳng hình mui luyện để tránh úng nước cục bộ.

  • Xử lý nấm bệnh trên hạt giống trước khi gieo bằng cách, ngâm giống 2 – 3 giờ trong nước ấm 50 độ C (2 sôi 3 lạnh).

  • Gieo trồng mật độ hợp lý theo khuyến cáo của nhà sản xuất cho từng giống.

  • Chỉ sử dụng phân bón hữu cơ đã ủ vôi bột tới hoai mục. Tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi bón tưới cho cà chua.

  • Bón cân đối các phân hóa học đạm, lân, kali.

  • Tỉa bỏ kịp thời các nhánh cây vô hiệu, các lá già, lá sâu bệnh, tạo sự thông thoáng trong ruộng cà chua.

  • Tìm giết sâu non, diệt ổ trứng (áp dụng với sâu khoang khi mật độ sâu thấp).

  • Phát hiện sớm và nhổ bỏ những cây bị bệnh héo xanh, vàng ngọn, xoăn lá do virus đem thiêu hủy.

  • Thu dọn sạch tàn dư thực vật sau mỗi vụ gieo trồng, để tránh sâu bệnh lưu chuyển qua vụ sau.

  • Dùng bẫy pheromone để phòng trừ sâu xanh đục quả từ giai đoạn có nụ hoa đến cuối vụ.

  • Phun thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết.

Trên đây là một số loại sâu bệnh hại cà chua thường gặp. Hiện nay phương pháp phun thuốc trừ sâu bệnh cho cà chua bằng máy bay không người lái rất được ưa chuộng nhờ những ưu điểm như: nhanh chóng, tiết kiệm nhân công, tiết kiệm chi phí, an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, tăng năng suất và chất lượng quả khi thu hoạch.

May-bay-phun-thuoc-tru-sau-nong-nghiep-DJI-Agras-T30
Máy bay phun thuốc trừ sâu nông nghiệp DJI Agras T30

Bà con quan tâm đến giải pháp máy bay phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây cà chua, xin vui lòng liên hệ AgriDrone Việt Nam để được tư vấn cụ thể.

NHẬN TƯ VẤN Sâu bệnh hại cà chua